ĐỀN THÁI VI
ĐỀN THÁI VI
Thiết kế của đền chính gồm: Gian giữa của Bái đường, trên cao treo bức hoành phi sơn son thiếp vàng có bốn chữ Hán lớn “Long đức chính trung”, bái đường thờ công đồng trên bệ đá. Tiếp theo là ba gian Trung đường với hai hàng cột đá tròn, mỗi hàng bốn cột, đều được chạm khắc nổi long vân. Ở đây đặt nhang án đá. Hai bên có đôi hạc gỗ cao 2 mét và hai bộ chấp kích thờ sơn son thiếp vàng.
Qua Trung đường vào năm gian chính tẩm có 8 cột đá tròn được chạm khắc nổi: cầm, kỳ, thi, hoạ. Điều độc đáo ở đền Thái Vi là tất cả các cột đều làm bằng các tảng đá xanh nguyên khối cao to, được chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ, đường nét uyển chuyển, tao nhã như chạm gỗ. Phía sau đền Thái Vi nguy nga, trầm mặc là hai mắt rồng ở hai bên.
Tương truyền, đây là hai hố sâu đổ đất đá vào cho đầy, một thời gian sau đất lại trũng xuống không bao giờ bằng mặt đất. Tại khu di tích đền Thái Vi còn một am nhỏ là nơi vua Trần Thái Tông đã cho lập lên và ở đó tu hành trong thời gian cuối đời.
Đền Thái Vi ngự trong khu rừng Ô Lâm, thuộc tổng Vũ Lâm xưa, ngày nay thuộc thôn Văn Lâm, xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Ngôi đền linh tiếng từ lâu đời, là nơi thờ các vị vua triều Trần. Xưa vùng núi Tam Cốc là nơi nhà Trần về đây dựng hành cung Vũ Lâm trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Có thể đi bộ đến Đền Thái Vi từ hành trình Tam Cốc hoặc theo đường bộ cách bến thuyền Tam Cốc 2 km.
Đền nằm ở vị thế bên phải là dòng Ngô Giang, bên trái có núi Cối Lĩnh, hài hòa giao quyện từ ngàn đời nay. Trước cửa đền có giếng vàng chứa Bạch Ngọc, bốn mùa trong vắt như gương.
Theo lời cụ từ Đền Thái Vi, ngôi đền Thái Vi đặc biệt ở cột đá, xà đá chạm trổ hoàn toàn thủ công. Di tích cổ nhất còn lưu giữ tại đây là: nhang án, cột đá, hòm sắt, bàn thờ, gác chuông (xây dựng 1689, quả chuông cũng được đúc từ năm đó).
Theo lệ, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 3 (âm lịch) lễ hội Thái Vi được tổ chức và coi là Quốc lễ. Đây là dịp để nhân dân Ninh Bình và nhân dân cả nước tưởng nhớ công lao to lớn của các đời vua Trần.